Làm Nam quận vương rồi thái tôn Tiêu_Chiêu_Nghiệp

Năm 482, sau khi Cao Đế qua đời, Tiêu Trách kế vị và trở thành Vũ Đế. Tiêu Trường Mậu được phong làm thái tử, Tiêu Chiêu Nghiệp được kế tục tước hiệu Nam quận vương do là con trai cả của cha mình. Năm 484, ở tuổi 11, ông lấy Hà Tịnh Anh làm vương phi.

Xét về bề ngoài, khi làm Nam quận vương, Tiêu Chiêu Nghiệp được coi là hiếu học, thận trọng, hiếu thảo, tao nhã, và khéo léo. Do đó, hoàng tổ Vũ Đế rất yêu mến ông. Tuy nhiên, khi không có sự hiện diện của hoàng tổ và cha mình, Tiêu Chiêu Nghiệp lại trở nên phù phiếm và dành thời gian cùng với những người có ảnh hưởng xấu. Trong thời gian này, ông sống với thúc phụ Cánh Lăng vương Tiêu Tử Lương (蕭子良) tại Tây phủ (西府), một ngoại ô quan trọng của Kiến Khang. Do Tiêu Trường Mậu thường hạn chế các hành vi và cung cấp tiền bạc của ông, Tiêu Chiêu Nghiệp thường mượn tiền từ những phú gia, không ai dám từ chối. Ông cũng sao chép các khóa cửa thành để có thể vui chơi thâu đêm tại các doanh trại quân sự khác nhau. Giảng sư của ông là Sử Nhân Tổ (史仁祖) và Hồ Thiên Dực (胡天翼) bực tức và tin rằng họ cùng gia quyến sẽ gặp phải rắc rối bất kể chọn cách thông báo việc này cho Vũ Đế hoặc không, rồi cả hai quyết định tự sát. Vương phi của Tiêu Tử Lương đã nuôi dưỡng Tiêu Tử Nghiệp, song khi lớn lên thì Tiêu Tử Nghiệp lại nghi ngờ thúc phụ muốn đoạt lấy ngai vàng.

Hà vương phi nổi danh với hành vi thông dâm, bà đã có những mối tình bên ngoài trong khi đang là vương phi. Vụ thông dâm ô nhục nhất của bà là với một hầu cận của Tiêu Chiêu Nghiệp- Dương Mân (楊珉), theo sử liệu thì họ ngày đêm ở bên nhau, giống như là vợ chồng. Tuy nhiên, Hà Tịnh Anh cũng rất đằm thắm trong mối quan hệ với Tiêu Chiêu Nghiệp, và do đó Tiêu Chiêu Nghiệp đã nhắm mắt làm ngơ các hành động của bà. (Một số sử gia cho rằng Tiêu Chiêu Nghiệp và Dương Mân cũng có quan hệ kê gian.)

Năm 493, khi Tiêu Trường Mậu lâm bệnh, Tiêu Chiêu Nghiệp tỏ vẻ rất đau buồn, đến nỗi sức khỏe của chính ông cũng ở trong tình trạng nguy hiểm, khiến những người chứng kiến cũng xúc động. Tuy nhiên, ngay sau khi đến phủ của mình, ông đã tỏ vẻ hạnh phúc và hứng thú. Ông thường yêu cầu một đồng cô họ Dương (mẹ của Dương Mân) làm bùa chú nguyền rủa hoàng tổ và cha sớm qua đời để ông có thể sớm lên ngôi hoàng đế. Ngay sau đó, Tiêu Trường Mậu qua đời, và Tiêu Chiêu Nghiệp đã trao cho đồng cô nhiều phần thưởng vì tin rằng lời nguyền của bà ta có hiệu quả, và bảo bà ta tiếp tục nguyền rủa hoàng tổ. Do không biết được các hành động của Tiêu Chiêu Nghiệp, Vũ Đế đã lập Tiêu Chiêu Nghiệp làm hoàng thái tôn. Hà vương phi được phong làm hoàng thái tôn phi, và Vương hoàng thái tử phi trở thành Hoàng thái tôn thái phi. Ngay sau đó, Vũ Đế cũng lâm bệnh, Tiêu Chiêu Nghiệp tiếp tục lặp lại màn kịch ra vẻ đau buồn, song trong lòng lại rất vui sướng, và khi viết thư cho thái tôn phi, ông đã viết một chứ Hỉ (喜) lớn với 36 chữ Hỉ nhỏ hơn xung quanh.

Do bệnh tình của Vũ Đế rất nghiêm trọng, viên quan Vương Dung (王融)-là bằng hữu với Tiêu Tử Lượng, đã cố gắng thực hiện một âm mưu nhằm đưa Tiêu Tử Lương lên ngai vàng. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị ngăn chặn bởi một đường đệ của Vũ Đế-Tây Xương hầu Tiêu Loan, và sau khi Vũ Đế qua đời vào cuối năm 493, Tiêu Chiêu Nghiệp lên ngôi kế vị.

Liên quan